Tìm kiếm trên mạng thì phễu marketing đã có nhiều. Nhưng tôi viết bài này với hi vọng nó sẽ dễ hiểu nhất để hầu hết mọi người có thể tiếp thu
Phễu marketing là mô hình marketing dẫn dắt khách hàng từ lúc chưa biết gì về sản phẩm/ thương hiệu đến lúc mua sản phẩm/dịch vụ
Quá trình mua hàng của khách từ lúc chưa biết gì đến lúc mua sản phẩm sẽ gồm nhiều giai đoạn. Tùy theo sản phẩm, dịch vụ và cũng tùy theo người chia ra bao nhiêu giai đoạn mà sẽ có nhiều loại phễu marketing khác nhau
Ví dụ một loại phễu đơn giản là AIDA gồm 4 giai đoạn là: awareness → interest → desire → action
Nhưng người ta cũng có thể chia theo cách khác tạo nên phễu với tên gọi khác:
Awareness → consideration → conversion → loyalty → Advocacy
Vì vậy bạn không nên bối rối trước nhiều loại phễu, hãy chọn một loại bạn hiểu rồi áp dụng
Để đơn giản chúng ta nói về phễu AIDA. Từ lúc chưa biết gì sản phẩm cho đến lúc mua sản phẩm thì nhận thức của khách hàng sẽ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau: awareness, interest, desire, action.
Lấy ví dụ quá trình bạn mua hàng ở tiệm tạp hóa gần nhà. Đầu tiên thì bạn đi ngang và thấy họ treo đồ, hoặc thấy nhiều người bu đông lại mua đồ ở đây. Bạn sẽ biết được ở đây có bán tạp hóa. Đây gọi là nhận biết (awareness). Nếu họ không treo đồ, đóng cửa im ỉm, hoặc có treo đồ mà ở sâu trong nhà mới thấy thì bạn sẽ không biết được nó. Và chắc chắn là bạn sẽ không mua đồ ở đây
Phễu awareness có thể nói là quan trọng nhất vì nếu khách hàng không biết bạn bán hàng thì sẽ không mua hàng của bạn
Khi bạn biết ở chỗ đó bán tạp hóa thì bạn vẫn chưa mua đâu, bạn cần thích nữa. Nếu có 2 nơi bán tạp hóa gần nhà có thể bạn sẽ chọn một tiệm mà bạn thích hơn, có thể là tiệm đó gần nhà hơn, có thể tiệm đó lớn hơn, tiệm đó trang trí đẹp hơn, hoặc tiệm đông người mua hơn, hoặc là người bán nói chuyện có duyên hơn, có thể là người bán xinh hơn. Đây gọi là giai đoạn interest. Hiện tôi vẫn phải đi xa hơn 2 căn nhà để mua đồ ở tiệm mà không nói năng thô lỗ như tiệm kia
Khi bạn đã thích một tiệm hơn rồi thì bạn vẫn chưa mua đâu, vì phải có nhu cầu xuất hiện. Ví dụ như hôm nay nhà hết xà phòng, hết dầu gội đầu, hết nước rửa chén. Lúc đó nhu cầu xuất hiện bạn sẽ mong muốn có sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu. Đây gọi là desire (khao khát).
Dù có thể có khao khát nhưng chưa chắc bạn đã hành động nếu như bạn không cần giải quyết nó ngay. Ví dụ như hết dầu gội nhưng bạn chưa đi tắm, bạn lười ra đường thì bạn có thể trì hoãn việc mua. Cho đến khi bạn buộc phải tắm để đi làm, thì lúc đó bạn sẽ phải hành động: đến tiệm tạp hóa mua dầu gội. Đây gọi là giai đoạn action ( hay phễu action)
Như vậy có thể thấy phễu marketing: chia nhỏ quá trình phù hợp với nhận thức của khách hàng, và từng giai đoạn nhận thức sẽ dùng một loại phễu tương ứng để tối ưu chuyển đổi cho giai đoạn đó, dẫn tới cả quá trình sẽ được tối ưu. Nghĩa là tổng đơn hàng sẽ được tối ưu.
ST: Internet